Monday, May 7, 2012

Thao gỡ kho khan cho doanh nghiep Uu tien don cuc

GiadinhNet - Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và thông điệp về "Các biện pháp tài chính tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp" của Bộ Tài chính đều nhắm tới việc phân hạng ưu tiên trong hỗ trợ doanh nghiệp.

Vì thế, cùng lâm vào cảnh khó, sẽ có những doanh nghiệp được hưởng sự hỗ trợ từ Nhà nước, có những doanh nghiệp sẽ bị bỏ rơi và phải tự thân bươn chải.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp: Ưu tiên dồn cục

Các doanh nghiệp dệt may thuộc nhóm sẽ nhận được nhiều hỗ trợ từ lãi suất, thuế và phí trong thời gian tới. Ảnh: Chí Cường

Phân hạng ưu tiên

Theo Thông tư 14 của NHNN, từ ngày mai (8/5), lãi suất cho vay cao nhất với 4 lĩnh vực ưu tiên: Nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ là 15% một năm. Các ngân hàng phải niêm yết công khai lãi suất cho vay với từng lĩnh vực cụ thể.


Bốn nhóm doanh nghiệp được hưởng ưu tiên về lãi suất cũng chính là nhóm sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về thuế và phí trong thông điệp được Bộ Tài chính đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ này, ngày 5/5. Trong 8 nhóm giải pháp về thuế và phí, có 3 giải pháp đáng chú ý liên quan đến thuế GTGT, thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), nhưng đối tượng thụ hưởng hạn chế với "các doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 08/2011/QH13". Cụ thể, nhóm các doanh nghiệp này sẽ được: Gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT trong 6 tháng đối với số thuế GTGT phải nộp của tháng 4, tháng 5 và tháng 6/2012; Gia hạn số tiền thuế TNDN còn nợ chưa nộp ngân sách của năm 2011 trở về trước trong 9 tháng; Giảm 30% số thuế TNDN phải nộp năm 2012. Các doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 08 gồm: Các doanh nghiệp vừa và nhỏ; Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực: Sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thuỷ sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, Bộ Tài chính còn 2 nhóm giải pháp khác cũng hướng đến các đối tượng ưu tiên thuộc các nhóm trên là: Miễn thuế môn bài năm 2012 đối với các hộ đánh bắt hải sản và hộ sản xuất muối; Miễn thuế khoán thuế GTGT, thuế TNCN và thuế TNDN trong năm 2012 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ… Với các doanh nghiệp bất động sản, lĩnh vực được cho là gặp nhiều khó khăn, sẽ chỉ được hưởng hỗ trợ từ việc "Gia hạn thời hạn nộp tiền sử dụng đất trong thời gian tối đa 12 tháng kể từ ngày phải nộp theo thông báo của cơ quan thuế đối với số tiền sử dụng đất đến hạn phải nộp của các chủ đầu tư dự án do có khó khăn về tài chính nên chưa nộp tiền sử dụng đất".

Hợp lý và bất hợp lý

Hiện nay, việc phân làm 4 nhóm đối tượng ưu tiên được hưởng lãi suất trần 15% vẫn còn gây tranh cãi, thế nên sẽ rất đáng chú ý nếu nhóm này tiếp tục được hưởng những ưu đãi từ chính sách tài chính. "Hỗ trợ đúng đối tượng; đúng địa chỉ, đúng mục tiêu và kịp thời theo mức độ khó khăn của doanh nghiệp", là một trong các mục tiêu Bộ Tài chính đặt ra, nhưng những số liệu đi kèm lại không cho thấy điều đó.


Cũng trong thông điệp nêu trên, Bộ Tài chính chỉ ra rằng, quý I/2012, số doanh nghiệp tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn là gần 18.700 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp giải thể, phá sản và ngừng hoạt động là khoảng 10.350 doanh nghiệp, tăng 14,8% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành có số doanh nghiệp tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn và ngừng hoạt động tăng cao là kinh doanh bất động sản và xây dựng. Thực tế này phản ánh khó khăn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và xây dựng, khu vực được cho là sẽ nhận được rất ít sự hỗ trợ thời gian tới.


Mặt khác, cũng theo Bộ Tài chính, doanh thu bán hàng hoá dịch vụ trong quý I/2012 giảm 7% so với cùng kỳ năm 2011. Có 15/21 ngành chính của nền kinh tế đều có doanh thu giảm so với cùng kỳ: Xây dựng giảm 26%; Thương mại, bán buôn, bán lẻ giảm 22%; sản xuất giảm 9%; dịch vụ khách sạn, ăn uống giảm 8%… Các con số này cho thấy, sức mua thấp của nền kinh tế. Lượng hàng tồn khó lớn hiện nay đang là bài toán cần có lời giải. Cứ cho là quy định trần lãi suất cho vay NHNN được thực hiện nghiêm túc thì câu hỏi doanh nghiệp có muốn vay để tiếp tục sản xuất hay không cũng đáng để đặt ra. Theo số liệu của NHNN, trong tuần từ 16-20/4, lãi suất cho vay của các ngân hàng phổ biến 13,5-16,5% một năm với nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, sản xuất kinh doanh. Điều đó cho thấy việc đưa ra quy định trần lãi suất cho vay 15% có thể sẽ không có nhiều tác dụng hỗ trợ đối với doanh nghiệp.


Có thể hiểu, việc phân hạng ưu tiên của NHNN và Bộ Tài chính là nhằm mục tiêu "tái cấu trúc nền kinh tế, sắp xếp lại ngành hàng" và "đảm bảo khả năng cân đối ngân sách". Tuy nhiên, việc phân hạng ưu tiên có phù hợp với thực tế hiện nay hay không thì lại là chuyện khác. Đến nay vẫn chưa có những điều tra, phân loại toàn diện về khó khăn của các doanh nghiệp, chưa có một đánh giá thuyết phục nào về nút thắt của nền kinh tế. Khi chưa có đủ thông tin từ thực trạng nền kinh tế thì chính sách đưa ra, nhất là chính sách lại nhắm vào một nhóm đối tượng, rất có thể chỉ thoả mãn những mong muốn chủ quan. Ngay trong thông cáo của Bộ Tài chính, người ta cũng không tìm thấy căn cứ thuyết phục cho việc cần thiết phải thực hiện các chính sách ưu tiên với một số nhóm đối tượng được phân hạng như trên.

Đắc Kiên

Theo tintuc.xalo.vn

No comments:

Post a Comment