Wednesday, January 18, 2012

Doanh nghiep no kheo

Công ty Cổ phần Vitaly (VTA) đang đối mặt với nguy cơ hủy niêm yết khi lỗ 3 năm liên tiếp. Hiện tại, để có vốn đầu tư cũng như trang trải chi phí, VTA chấp nhận nợ như chúa chổm. Theo báo cáo tài chính của Công ty, nợ phải trả của VTA tính đến cuối năm 2010 lên đến 253,5 tỉ đồng, cao hơn cả tổng tài sản. Vì thế, không phải đợi bây giờ mà nửa năm trước, Công ty Kiểm toán và Tư vấn Chuẩn Việt đã cảnh báo về khả năng duy trì hoạt động ở VTA.

Tưởng không phải nợ, hóa ra là nợ

VTA không phải là trường hợp duy nhất gặp rắc rối vì nợ. Tính đến cuối tháng 3/2011, theo thống kê chưa đầy đủ của Vietstock, tổ chức chuyên cung cấp thông tin tài chính - chứng khoán, có 332 trong tổng 585 doanh nghiệp niêm yết có tỉ lệ nợ/vốn chủ sở hữu (D/E) lớn hơn 1. Nghĩa là 56,75% doanh nghiệp niêm yết chủ yếu dùng nợ tài trợ cho các hoạt động của mình. Trong đó, doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều, ngoài VTA, phải kể đến Công ty Cổ phần Sông Đà-Thăng Long (STL), Y Dược phẩm Vimedimex (VMD), Hàng hải Đông Đô (DDM), Viglacera Thăng Long (TLT). Các công ty này đều có tỉ lệ D/E vượt 10 lần.

Khi nợ vay nhiều, lãi vay cao trở thành gánh nặng đầu tiên của doanh nghiệp. Với mức lãi suất 18-20% như hiện tại, trong khi lợi nhuận/vốn (ROE) của các doanh nghiệp ước chỉ ở mức 16-17%, riêng việc trả lãi vay đã là một áp lực rất lớn. Theo báo cáo tài chính năm 2010, chi phí lãi vay của VTA đã cao hơn chi phí bán hàng cộng với chi phí quản lý doanh nghiệp. Lãi vay của STL thì gấp đến 15,2 lần so với năm 2009. Vì thế, mặc dù Công ty có mức lãi gộp khá ấn tượng (tăng 3,3 lần), nhưng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh lại không tăng tương xứng (chỉ tăng 1,9 lần).

Một số doanh nghiệp như DDM, ngoài áp lực lãi vay cao (80 tỉ đồng), còn phải lo thêm khoản lỗ tỉ giá từ vay ngoại tệ. Mới đây, kết quả sau kiểm toán ghi nhận, mức lỗ tỉ giá của DDM thay vì 16,74 tỉ đồng như công bố ban đầu, đã được điều chỉnh thành 77,07 tỉ đồng.

Chi phí lãi vay lớn đang góp phần vào sự thua lỗ của nhiều doanh nghiệp. Công ty Cổ phần Basa (BAS), Công ty Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVL) đều có lãi vay gấp 2,2 lần lãi gộp.

Thế nhưng, nguy hiểm hơn cả là những khoản tưởng không phải nợ hóa ra lại là nợ!

Ban lãnh đạo Dược Viễn Đông (DVD) có lẽ là những người thấm thía điều này nhất. Báo cáo tài chính năm 2010 của DVD cho thấy có sự đột biến về tổng nợ. Khoản nợ này đã tăng 3,2 lần so với năm 2009, lên tới 918,8 tỉ đồng. Điều đáng nói là khoản phải thu của DVD tăng đến 645 tỉ đồng trong năm 2010, cao hơn cả doanh thu. Thị trường ngay sau đó xuất hiện tin đồn DVD tạo doanh thu ảo. Hiện tại, DVD đang làm việc với các cơ quan chức năng và vẫn chưa có kết luận cuối cùng.

Song, câu chuyện của DVD đã lay tỉnh các nhà quản lý phải cảnh giác với khoản phải thu. Về danh nghĩa, DVD có khoản phải thu để đảm bảo khả năng thanh toán nợ, nhưng có đòi được chúng hay không lại là chuyện khác. Và như thế, khoản phải thu lại hóa ra khoản nợ!

Từ sau khi xảy ra tai tiếng ở DVD, khách hàng lẫn ngân hàng đều tìm cách đòi nợ. Ban quản trị DVD dự kiến sẽ bán nhà máy Lili of France, miếng đất ở 88 Lũy Bán Bích (quận Tân Phú, TP.HCM), cổ phiếu Savifarm và một số tài sản khác để trả nợ.

VTA cũng mắc phải cái bẫy "không phải nợ thành ra nợ" này. Thực tế, hàng tồn kho, khoản phải thu và những tài sản cố định có giá trị cũng là cơ sở tốt giúp đảm bảo khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu tất cả các tài sản có giá trị đã bị đem thế chấp như trường hợp của VTA thì tình hình doanh nghiệp đã không còn sáng sủa nữa. Đặc biệt, nếu tồn kho và khoản phải thu của doanh nghiệp ít có khả năng chuyển đổi thành tiền, rủi ro lại càng thêm chồng chất.

Ông Mạc Quang Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Thăng Long (TLS), cảnh báo: "Không đợi đến mức trầm trọng như DVD, chỉ cần một sự cố như kiện cáo, dự toán sai hay doanh nghiệp vi phạm điều khoản vay cũng đủ đẩy doanh nghiệp đến những khoản nợ tiềm ẩn". Đó có thể là khoản nợ phát sinh từ đền bù, nộp phạt nhưng cũng có thể là áp lực trả nợ ngay, bất kể đã đến hạn hay chưa.

Nợ, mà không phải nợ

Tuy nhiên, không thể xem... nợ mà bắt hình dong. Nếu doanh nghiệp tự tin việc vay nợ có thể giúp tạo được mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) cao hơn lãi vay thì vay nợ lại tốt. Vì thế, ông Huy cho rằng, "muốn đánh giá vấn đề nợ nần của doanh nghiệp, không phải cứ nhìn con số là kết luận được. Còn tùy ngành nghề, tùy mức độ, tùy hình thức nợ và đặc biệt là tùy từng doanh nghiệp, mới có thể đưa ra nhận định".

Hiện tại, những ngành cần đầu tư tài sản cố định lớn như thép, xi măng, công nghệ, vận tải biển đều có tỉ lệ nợ cao hơn bình thường. Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Tôn Hoa Sen (HSG), Thép Pomina (POM), Tập đoàn FPT (FPT) đều là những doanh nghiệp có nợ lớn hơn vốn. Nhưng đa số các khoản vay này, hoặc là dài hạn hoặc vay ngắn hạn, đều có mức lãi suất thấp. Chẳng hạn, tuy nguồn vay nợ ngắn hạn của POM chiếm đến 61,8% tổng nợ nhưng đây là các khoản vay bằng ngoại tệ với lãi suất dưới 7%/năm.

HPG còn khôn ngoan hơn khi đa số nợ của Tập đoàn đều dưới dạng trái phiếu. Theo thuyết minh báo cáo tài chính của HPG, trong 4.014,6 tỉ đồng vay ngắn hạn năm 2010, có đến 88% là khoản phát hành trái phiếu 1 năm. Và 51% nợ dài hạn của HPG cũng từ nguồn trái phiếu.

Với cách thức vay nợ qua phát hành trái phiếu, ông Phạm Thứ Triệu, Phó phòng Khối Dịch vụ Ngân hàng Đầu tư của TLS, nhận định: "Doanh nghiệp sẽ có vị thế tốt để đàm phán về nợ, lãi suất và thời hạn". Bằng chứng là khoản vay trái phiếu 2.000 tỉ đồng thời hạn 1 năm của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) chỉ có mức lãi suất 4%/năm. So với lãi suất ngân hàng 18-20%/năm, đây là kênh vay vốn cực kỳ hấp dẫn.

Thậm chí, sẽ còn tốt hơn nữa nếu doanh nghiệp vay nợ qua phát hành trái phiếu chuyển đổi bắt buộc. Chẳng hạn, trong lúc SSI đang tìm cách xoay xở 2.080 tỉ đồng tiền gốc lẫn lãi vay (2.000 tỉ đồng nợ gốc và 80 tỉ đồng lãi vay) đến hạn trả cho trái chủ thì Công ty Cổ phần Cơ Điện lạnh (REE), cũng vay nợ bằng trái phiếu, lại ung dung. Bởi lẽ, 810,4 tỉ đồng từ phát hành trái phiếu của REE chắc chắn sẽ được chuyển đổi thành cổ phiếu vào tháng 8 năm nay.

Đặc biệt, có những loại nợ lại hóa ra không phải nợ, nếu doanh nghiệp khéo xoay chuyển. Đó là nợ từ khoản phải trả người bán và người mua ứng trước. Về bản chất, khoản phải trả cho người bán là một hình thức chiếm dụng vốn và doanh nghiệp không phải trả lãi. Với khoản tiền do người mua ứng trước, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngành bất động sản, càng thêm thuận lợi vì vừa không trả lãi vừa không trả tiền nợ gốc. Nhiệm vụ của doanh nghiệp chỉ là cung cấp hàng hóa, sản phẩm theo đúng hợp đồng.

Nợ sao co khéo

Vay nợ trong những trường hợp kể trên không mang nghĩa tiêu cực. Tuy nhiên, dù nợ đến từ nguồn nào, ông Hồ Bá Tình, Trưởng nhóm Vĩ mô và Thị trường của Vietstock, cho rằng, cũng chỉ nên ở mức vừa phải. Ông cho biết, ông chưa thấy doanh nghiệp nào nợ quá nhiều (D/E trên 4 lần) mà lại an toàn. Thực tế cũng minh chứng, trong số doanh nghiệp thua lỗ năm 2010, VTA, DDM, Hàng Hải Sài Gòn (SHC) đều là những công ty có nợ quá lớn.

Ngoài ra, một điều gần như hiển nhiên là chỉ các doanh nghiệp lớn mới tiếp cận được vốn rẻ nhờ phát hành trái phiếu, hay đàm phán kéo dài thời gian nợ nhằm chiếm dụng vốn. Các công ty vừa và nhỏ, không còn cách nào khác, phải biết nợ sao cho khéo.

Bí quyết thứ nhất, theo ông Triệu, thuộc TLS, là chú ý đến sự cân xứng trong việc sử dụng nợ. Nếu doanh nghiệp dùng nợ ngắn hạn tài trợ cho khoản đầu tư dài hạn thì vừa làm tăng chi phí vừa cực kỳ rủi ro. Ngược lại, dùng nợ dài hạn cho mục đích ngắn hạn thì rất lãng phí. Có thể thấy, VTA ngày càng lún sâu vào gánh nặng nợ nần khi năm qua, Công ty dùng tiền vay từ ngắn hạn chủ yếu để trả nợ gốc và lãi vay (theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ của VTA).

Cân nhắc chi phí vốn và hiệu quả sử dụng vốn vay là bí quyết thứ hai. Chẳng hạn, với việc đầu tư thêm các nhà máy mới, HSG, HPG, POM đang tỏ ra có lợi thế về sản lượng, giá thành, cạnh tranh thị trường. Ông Đỗ Xuân Chiểu, Chủ tịch POM, còn kỳ vọng, khi dự án nhà máy luyện thép POM 3 với công suất 1 triệu tấn/năm đi vào hoạt động trong quý II/2012, lợi nhuận từ năm 2013 của POM sẽ tăng ít nhất gấp đôi so với hiện tại.

Trong khi đó, các khoản đầu tư mở rộng sang khai thác cao su, khoáng sản, thủy điện đang mở ra cơ hội tăng trưởng vượt bậc cho Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG). Do đó, dù năm 2010 không hề thuận lợi cho việc vay vốn, nhưng 2 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ, với tổng giá trị 1.630 tỉ đồng, của HAG đã rất thành công.

Cuối cùng, "tiền mặt là vua" vẫn là bí quyết kinh điển trong những thời điểm khó khăn. Trước mắt, để khắc phục phần nào rủi ro nợ nần, doanh nghiệp cần nỗ lực duy trì lượng tiền mặt. An toàn nhất, như HPG đã làm, là có lượng tiền mặt đủ để trang trải chi phí lãi vay và các chi phí hoạt động.

Đến đây, có lẽ có không ít cái lắc đầu hoài nghi, liệu doanh nghiệp nào làm được những điều này. Câu trả lời là Vinamilk!

Trong năm 2011, để đầu tư mở rộng các nhà máy mới và đầu tư vào trang trại bò, Vinamilk (VNM) có kế hoạch tiếp tục giải ngân hơn 4.255 tỉ đồng. Điều đáng nói là VNM không dùng nợ để tài trợ các dự án. Kết thúc năm 2010, vốn chủ sở hữu của VNM là 7.964 tỉ đồng, cao hơn 2,8 lần so với tổng nợ. Ngay trong tổng nợ của VNM cũng chủ yếu là khoản phải trả cho người bán. Nợ vay chỉ chiếm 20,2% tổng nợ. Theo thuyết minh báo cáo tài chính của VNM, đó là khoản nợ vay từ ngân hàng ngoại để trả cho nhà cung cấp nước ngoài.

Trong năm qua và cả năm nay, để có vốn đầu tư các dự án, VNM đã tích cực huy động vốn. Theo dự kiến, trong năm 2011, VNM sẽ phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ 2:1, phát hành cổ phiếu qua đấu giá 3% vốn điều lệ, phát hành 3,56 triệu cổ phiếu theo hình thức ESOP (thực hiện quyền sở hữu cổ phần cho người lao động).

Không thể phủ nhận VNM là doanh nghiệp lớn nên có nhiều lợi thế như đã nói ở trên, nhưng một chiến lược sử dụng vốn thông minh chắc chắn là điều phải ghi nhận ở doanh nghiệp này.

Ngọc Thủy

NCĐT

Theo www.baomoi.com

qua tang tinh yeu | may xay sinh to | may tinh xach tay |

No comments:

Post a Comment