Wednesday, April 4, 2012

Hieu qua tu cong tac dao tao nghe cho lao dong nong thon o huyen Dinh Quan

Ông Cù Thế Hành, Phòng Lao động – thương binh và xã hội huyện cho biết, Định Quán là huyện miền núi có tổng diện tích đất tự nhiên 97.650 ha, gồm 14 xã, thị trấn với 194.000 nhân khẩu, trong đó có 16.790 người dân tộc thiểu số, có trình độ học vấn thấp, mức độ nhận thức về học nghề còn nhiều hạn chế. Ngay sau khi có Quyết định 1956/2009 của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh chọn Định Quán làm điểm chỉ đạo công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án và xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2010, giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn 2020.

*Kết quả bước đầu

Lao động nữ là người dân tộc thiểu số tìm hiểu kiến thức phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, Ban chỉ đạo thực hiện đề án của huyện đã tổ chức triển khai toàn bộ nội dung của đề án đến với các ban, ngành, đoàn thể của huyện, xã, thị trấn và tận các ấp, khu dân cư trên địa bàn để có tiếng nói chung trong thực hiện chính sách và tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức về lợi ích của học nghề, giúp họ tìm chọn nghề phù hợp để có kiến thức và kỹ năng thực hành nhằm tìm kiếm việc làm phù hợp, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thông qua điều tra khảo sát tại 3.606 hộ dân thì có 1.635 hộ với 1.991 người có nhu cầu học nghề, chiếm tỷ lệ 45,3%. Huyện đã tổ chức dạy nghề cho 543 học viên. Trong đó có 271 học viên thuộc diện đối tượng chính sách, dân tộc thiểu số và diện nghèo; số còn lại thuộc đối tượng lao động nông thôn. Các ngành nghề tập trung đào tạo gồm đan lát, chăn nuôi gà, heo, may công nghiệp, xây dựng, hàn, tiện, sửa chữa xe máy, ô tô, sửa chữa máy vi tính. Đến nay đã có 8/17 lớp thi tốt nghiệp với 259 học viên gồm nghề đan lát, chăn nuôi gà, heo hoàn thành chương trình học. Tỷ lệ có việc làm sau đào tạo đạt khoảng 80%, đặc biệt là nghề hàn công nghệ cao tỷ lệ có việc làm là 100% thu nhập ổn định trên 4 triệu đồng/tháng; số còn lại tự áp dụng kiến thức để tạo việc làm tại gia đình mình cho thu nhập và năng suất cao.

Anh Trần Tấn Minh, ấp 2, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán là một trong những học viên đầu tiên tham gia học nghề cho hay, trước khi học tôi đã đầu tư nuôi 200 gà mái đẻ nhưng thiếu chuyên môn chăm sóc nên thu lời không có. Sau khi học song tôi đã có kỹ thuật chăm sóc tốt gà con, chủng ngừa vác xin các loại bệnh thường xảy ra và phân bố hợp lý dinh dưỡng nên đàn gà khi trưởng thành cho lãi cao, trung bình thu lãi từ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng/tháng sau trừ vốn và công chăm sóc. Theo anh Minh, đây là một mô hình xóa nghèo bền vững bởi phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương và gia đình anh.

Mô hình phát triển kinh tế nuôi gà trang trại. Theo ông Cù Thế Hành, kết quả đạt được sau một năm thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện dù còn khiêm tốn nhưng với bước đầu triển khai thì kết quả như trên cũng là tiền đề để nâng cao hơn hiệu quả cho những năm tiếp theo.

*Tiếp tục lồng ghép đề án vào sâu trong cuộc sống

Kinh nghiệm cho thấy từ thực tế chính là phải tích cực tuyên truyền thường xuyên bằng các hình thức cụ thể để người dân biết rõ thông tin về chính sách của đề án trong đó có thể lồng ghép triển khai trong các cuộc họp của tổ, ấp hoặc khu dân cư trên địa bàn, ông Hành nói. Mặt khác, việc dạy nghề phải thực hiện gắn liền với các mô hình kinh tế tại địa phương; thời gian và địa điểm dạy nghề phải được tính toán sao cho phù hợp với với thời gian làm việc và khoảng cách đi lại của người lao động chẳng hạn như không dạy vào thời điểm người nông dân thu hoạch, cấy, tỉa mà có thể sắp xếp bố trí vào thời điểm phù hợp không ảnh hưởng đến công việc sản xuất và nguồn thu nhập hàng ngày của họ và cần thiết dạy vào buổi tối.

Thông qua các chương trình dạy nghề, đời sống đồng bào nghèo ngày càng khởi sắc. Ngoài ra không nhất thiết phải bó buộc đối tượng học nghề theo qui định bởi thực tế sau một năm triển khai, có một số người quá tuổi vẫn có nhu cầu tham gia học nghề phù hợp với sức khỏe và khả năng làm được như đan lát, chăn nuôi, trồng trọt nên huyện vẫn trích ngân sách hỗ trợ học phí cũng như các chế độ khác cho đối tượng đi học. Chính vì thế đã giúp nhiều lao động quá tuổi được học nghề và làm việc tại chỗ, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Ông Ngô Phan Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm dạy nghề Định Quán cho biết, Trong công tác tuyển sinh và tư vấn học nghề, Trung tâm dạy nghề Định Quán đồng thời cũng là đơn vị đào tạo đã ký kết hợp đồng dạy nghề cho người lao động đã xuống tận các ấp, khu dân cư để tư vấn về nhu cầu học nghề mà thị trường đang có nhu cầu cũng như độ tuổi của người lao động cho phù hợp. Đối với lao động trẻ thì hướng nghiệp cho họ học những ngành nghề nhằm chuyển dịch từ lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp để họ vào làm tại các KCN, cụm công nghiệp trong và ngoài huyện. Đối với lao động lớn tuổi thì hướng nghiệp cho họ bằng cách học nghề phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại chỗ như chăn nuôi, trồng trọt, đan lát…vừa phù hợp với trình độ nhận thức cũng như phục vụ cho công việc sản xuất, chăn nuôi, góp phần nâng cao năng suất và thu nhập cho người lao động.

Từ nay đến cuối năm 2011, trên cơ sở kế hoạch được giao, dự kiến huyện sẽ tập trung đào tạo nghề cho khoảng 800 học viên nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó phòng LĐ-TB&XH huyện sẽ phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở xã, thị trấn xuống tận ấp chiêu sinh và phổ biến chính sách, thông tin ngành nghề để người lao động lựa chọn ngành nghề học phù hợp với bản thân. Đặc biệt, ưu tiên chiêu sinh đào tạo nghề cho lao động tại các xã xây dựng nông thôn mới như Phú Vinh, Phú Túc, Suối Nho, nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của huyện.

T.L

Theo www.baomoi.com

No comments:

Post a Comment